Skip to main content

Bình Thạnh - chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển (1993-2023).

Bình Thạnh - chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển (1993-2023)

Bình Thạnh là một xã cù lao nằm giữa sông Hậu thuộc huyện Châu Thành. Nói đến xã Bình Thạnh, người dân nhớ đến tên gọi khác là cồn Bà Hòa, cù lao Thị Hòa hay cồn Bình Thạnh. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, xã Bình Thạnh không ngừng “thay da đổi thịt”, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng lên, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Châu Thành.
 
Cách đây 30 năm, vào ngày 28/10/1993, xã Bình Thạnh được thành lập. Xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Khi mới thành lập, xã Bình Thạnh là địa phương có điểm xuất phát rất thấp, mức tăng trưởng chậm; việc khai thác thế mạnh của địa phương chưa được định hình và cụ thể hóa; phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, năng suất thấp; thương mại - dịch vụ kém phát triển; các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ dưới hình thức kinh tế hộ gia đình; thu nhập và đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn; Trụ sở làm việc của xã, các ấp còn chật vật, tạm bợ, thậm chí trụ sở Ủy ban nhân dân xã đặt tạm tại Văn phòng ấp Bình Thạnh cũ; cán bộ còn thiếu, lại thay đổi thường xuyên, nhất là ở các ấp. 

Ảnh


 
Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tận tâm của Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành, sự hỗ trợ của nhiệt tình của các Ban, Ngành, Đoàn thể huyện; sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, phấn đấu, địa phương từng bước khắc phục khó khăn, đưa kinh tế - xã hội và đời sống người dân ngày càng phát triển. Theo đó,  xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối khá đồng bộ, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi khang trang hơn. Từ một xã thuần nông, còn khó khăn nhiều bề, đến nay, xã Bình Thạnh vươn lên là xã có vùng chuyên canh hoa màu lớn nhất của huyện Châu Thành.

Ảnh


 
Cùng với các địa phương khác trong tỉnh An Giang và huyện Châu Thành, xã Bình Thạnh bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Châu Thành, trải qua nhiều lần Đại hội Đảng bộ xã, với những mục tiêu và phương hướng mang nhiều đột phá, bộ mặt nông thôn của xã Bình Thạnh đã hoàn toàn thay đổi. Trong giai đoạn 2010-2023, Đảng bộ xã Bình Thạnh tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế từ cơ cấu: nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ dần dần chuyển sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - thương mại dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp phù hợp từng thời kỳ, đặc điểm địa phương. Để đạt được mục tiêu đề ra, từ năm 2011, sản xuất nông nghiệp ở xã Bình Thạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng vùng chuyên canh, xen canh rau màu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; tăng diện tích trồng rau màu an toàn, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2022, tổng diện tích gieo trồng cả năm là 678 héc-ta, tổng sản lượng đạt trên 12.000 tấn/năm, tăng 1.518,27 tấn so với năm 2020; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 290 triệu đồng/ha/năm, tăng 67,0 triệu đồng so với năm 2015, tăng 42,5 triệu đồng so với năm 2020, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người đạt từ 29,2 triệu đồng/người vào năm 2015, tăng lên 53,8 triệu đồng vào năm 2020, rồi 56,0 triệu đồng/người vào năm 2022. 

Ảnh


 
Trong chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới ứng dụng công nghệ cao đạt giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng rau an toàn với diện tích trồng rau an toàn; trồng rau an toàn trong nhà lưới; trồng nấm rơm dạng trụ; trồng cây dưa leo bằng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp nuôi ong thụ phấn trong nhà lưới; trồng dưa lưới bán thủy canh trong nhà màng, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; trồng măng tây xanh; sản xuất cây con giống công nghệ cao… Để sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, xã đã hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng thủy sản ở Bình Thạnh rất đa dạng giống loài và phương pháp tạo ra vùng nguyên liệu thương phẩm như: ao, hầm, vèo, nuôi cá lồng bè… Chăn nuôi tiếp tục phát triển, với tổng số đàn gia súc, gia cầm đều tăng lên hằng năm. Có thể nói, Bình Thạnh là địa phương có diện tích chuyên canh rau màu lớn nhất của huyện Châu Thành, đồng thời là một trong những địa phương có diện tích chuyên canh rau màu lớn nhất của tỉnh và trở thành đơn vị dẫn đầu của huyện Châu Thành về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 


 
Các loại hình kinh doanh, dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng cả về loại hình và quy mô. Tổng mức bán lẻ hàng hóa hằng năm trên địa bàn đạt hàng nghìn tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, xã phát triển nhanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, xử lý phế phẩm rác thải nhựa,… Kế đó, Bình Thạnh tiếp tục triển khai Đề án nâng cấp giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” và là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa xây dựng giao thông nông thôn. Công trình nổi bật nhất chính là cầu Khai Long, nối liền ấp Thạnh Hòa - Thạnh Nhơn, với kinh phí 1,4 tỷ đồng. Năm 2023, toàn xã có 25,7 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 1 tuyến đường xã dài 4,8 km, 9,3 km đường ấp và liên ấp, được tráng nhựa hoặc bê tông hóa và 13,6 km đường xóm, nội đồng. Hệ thống giao thông hoàn chỉnh làm cho giao thông, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn xã được thông suốt và nhộn nhịp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và phát triển du lịch sinh thái. Để giữ gìn vệ sinh môi trường, xã tổ chức mô hình thu gom rác tự quản ở 4 ấp, phối hợp với Xí nghiệp Môi trường đô thị Châu Thành thu gom và xử lý rác thải, qua đó từng bước cải thiện môi trường sống ở cộng đồng dân cư. 
Đời sống văn hóa, tinh thần của người ngày một nâng cao, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được củng cố và nâng chất, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa ngày càng nâng lên. Phong trào thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân ngày càng phát triển. Giáo dục có bước phát triển khá toàn diện về quy mô, chất lượng; cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, khang trang và hướng đến đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế xã tiếp tục được củng cố, phát triển. Các chính sách xã hội cho đối tượng cán bộ hưu trí, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng được xã thực hiện tốt, kịp thời. Hằng năm, xã đều vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt chỉ tiêu trên giao để chăm lo cho các đối tượng chính sách. Mỗi năm, Mặt trận và các đoàn thể còn vận động, quyên góp quỹ “Vì người nghèo” đạt kế hoạch đề ra, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. 
 Về công tác xây dựng Đảng, trải qua nhiều nhiệm kỳ, cấp ủy Đảng chú trọng công tác chính trị tư tưởng, thường xuyên, quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, thông tin thời sự đến từng đảng viên. Công tác cải cách hành chính trong Đảng luôn được quan tâm, các văn bản ban hành có sự đổi mới, cải tiến theo hướng tinh gọn, hiệu quả, cụ thể, thiết thực. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Bình Thạnh hoạt động nề nếp, thực hiện cải cách hành chính “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính, các văn bản quy định tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã; không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân theo phương châm “Trách nhiệm, một cửa, thân thiện”, giải quyết hồ sơ đảm bảo đúng.

Ảnh


Về công tác vận động quần chúng, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể đã phát huy vai trò chức năng của mình, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp, thường xuyên gắn với địa bàn dân cư, có nhiều mô hình tập hợp quần chúng; từng bước phát triển số lượng, củng cố, nâng cao chất lượng. Luôn phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào cách mạng ở địa phương, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong từng nhiệm kỳ. 

Ảnh


Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự góp sức của Nhân dân trong xã, đến năm 2023, xã Bình Thạnh quyết tâm thực hiện đạt 19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu theo Quyết định số 1260/QĐ-UBND ngày 22-6-2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025. Hiện địa phương đã và đang chuẩn bị thực hiện theo đúng quy trình để được công nhận xã Nông thôn mới vào năm 2023. Có được những thành tích đó là do sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết thống nhất của toàn Đảng bộ xã và sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân, biết phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để Nhân dân thực hiện; thường xuyên kiểm tra theo dõi quá trình thực hiện công việc, phân công đảng ủy viên phụ trách địa bàn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt kịp thời; có tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
 Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, Bình Thạnh từ một xã có kết cấu hạ tầng thấp kém, với những con đường lầy lội, đi lại khó khăn, đêm đến cả cù lao tối om vì không có điện, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu; được mệnh danh là cồn “4 không - không điện, không nước sạch, không đường, không trạm; đến nay, xã Bình Thạnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Với những thành tựu đã đạt được sau 30 năm từ khi thành lập xã, tin chắc rằng Đảng bộ và Nhân dân xã Bình Thạnh vững bước phát triển trong tương lai, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Châu Thành.
Hoa Võ