Skip to main content

Giới thiệu chung

Bình Thạnh, còn được biết đến với tên gọi khác là Cồn Bà Hòa, nằm giữa dòng sông Hậu. Đây là nơi có phong cảnh sông nước thơ mộng, hữu tình, mang nhiều lưu luyến của vùng Tứ giác Long Xuyên. Xã Bình Thạnh có diện tích 8,66 km2, được chia thành 4 ấp: ấp Thạnh Hưng; ấp Thạnh Nhơn, ấp Thạnh Hòa, ấp Thạnh Phú: với 1.791 hộ, tổng số nhân khẩu 7.164 người; trong đó số hộ sống bằng nghề nông chiếm 50,53%.

hinh

 

hinh

 

hinh

 

hinh

 

hinh

Ở đây hệ thống sinh thái đất cồn, bãi bồi, cây xanh gió mát, còn lưu lại nét hoang sơ mà ít cồn còn giữ được. Cồn Bình Thạnh trước đây là ấp Bình Thạnh, xã Bình Hòa; tuy nhiên, vào năm 1993, nơi đây được Chính phủ quyết định thành lập xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành. Nét đẹp tự nhiên của cồn đang được lãnh đạo địa phương rất quan tâm phát triển để phục vụ khách tham quan nhiều nơi đang tìm đến. Du lịch sinh thái tại cồn Bình Thạnh thích hợp cho du khách, đặc biệt là du khách tại các thành phố có nhịp sống hiện đại, du khách quốc tế đến trải nghiệm loại hình du lịch chậm, là nơi du khách dừng chân tìm hiểu và cảm nhận các yếu tố thuộc về những giá trị văn hóa bản địa mang đậm dấu ấn về vùng đất và con người Nam bộ xưa.

Cồn Bình Thạnh mênh mông yên ả, yên bình với đồng quê bát ngát cây xanh, không xa thành thị nhưng vẫn giữ được nét đẹp trầm mặc với thời gian mà thiên nhiên đã tạo nên nó. Cách huyện lỵ Châu Thành khoảng 9 km, theo quốc lộ 91 từ trung tâm huyện Châu Thành đến xã Bình Hoà rẽ phải về phía Sông Hậu có đò qua sông là đến xã Bình Thạnh. Nếu ai yêu thích cảnh thiên nhiên sông nước bình dị thì có thể đi bằng đường bộ hoặc đường sông đều được. Đi tắc ráng hoặc ghe trên sông Hậu bao bọc quanh cồn, chúng ta sẽ thấy dòng nước cuồn cuộn phù sa mang đến cho ta cảm giác lâng lâng bồng bềnh trên sóng nước. Dưới ánh nắng hoàng hôn có đàn chim bay lượn, gợi cho ta nhớ về một thời xuân trẻ, một tâm hồn đầy khát khao nhưng lại vô cùng yên bình, tĩnh tại.

Xưa nay, xã Bình Thạnh là một trong những vùng chuyên canh rau màu lớn nhất huyện Châu Thành với trên một nghìn ha cây màu được trồng quanh năm. Đất cồn từ xưa đến nay đã nổi tiếng với các loại rau màu như: bắp cải; cải bẹ dúng, đậu bắp, hành, ớt, bầu bí, trái su, bắp và nhiều loại rau màu khác. Nhờ ứng dụng kỹ thuật lai ghép giống cây, kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, cải tạo đất, bón phân hữu cơ nên ngành nông nghiệp đã cho nhiều kết quả. Những luống rau thẳng tắp xanh mướt đẹp mắt, những vườn cam xoàn ngọt lịm trĩu quả như gọi mời khách tha phương.

Tiếng lành đồn tiếng xa về vùng đất cù lao cây lành, trái ngọt, cảnh vật hữu tình và người dân giàu lòng mến khách, nên hằng năm có nhiều du khách từ các nơi lại về đây vui chơi và thưởng thức không khí trong lành của miền cù lao, nhằm xua đi cái nóng oi bức của mùa hè nơi phố thị. Nếu mỏi chân, chúng ta có thể nghỉ ngơi trong những quán nhỏ ven đường với võng đưa kẽo kẹt buổi trưa hè nằm giữa vườn cây mát mẻ và thưởng thức những món cá, tôm, cua, ốc... Khách tham quan khi về sẽ vương vấn mãi mùi bắp nướng ngọt thơm lừng tinh khiết, những trái ấu bùi bùi, măng tre xào giòn giòn, mùi bắp cải luộc đầy hương vị đặc trưng tự nhiên của vùng đất cồn sinh thái.

Cồn Bình Thạnh là nơi đất lành chim đậu, với phong cảnh hữu tình, không khí trong lành và được thiên nhiên ban tặng nhiều đặc sản đa dạng và phong phú; cùng với người dân xứ cồn quanh năm cần cù lao động đã xây đắp nên. Người dân xứ cồn đã biết trân trọng thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên, biết tận dụng và đối phó với thiên nhiên, nắm vững quy luật của tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống con người nơi đây một ngày càng tốt hơn. Từ bao đời nay, người dân ở cồn Bình Thạnh vẫn chủ yếu sống bằng nghề trồng rẫy, chăn nuôi… được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước có chủ trương phát triển du lịch sinh thái ở cồn. Bà con nơi đây đón nhận và mong muốn, đây sẽ là một hướng đi giúp bà con có hướng phát triển mới; đồng thời giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa trên cồn Bình Thạnh. Không những vậy, người dân nơi đây còn là những người rất hiếu khách, chân tình cởi mở, chân chất chính vì thế mà khách và chủ thoải mái, vui vẻ. Điều đó khiến cho ai đã một lần ghé thăm, sẽ luôn lưu luyến và hẹn một ngày tái ngộ nơi làng quê xanh mướt một màu thuỷ chung, nằm e ấp náu mình trên dòng sông Hậu bao quanh với những căn nhà nhỏ xinh cùng niềm vui ấm no, hạnh phúc.

Đến với cồn Bình Thạnh là chúng ta đang đặt chân tới vùng đất tâm linh, với tên người dân Châu Thành thường gọi là cồn Bà Hoà. Qua lời kể của các bậc cao niên, trước đây cồn hoang vu có nhiều thú hoang, cá sấu nên hầu như bị bỏ hoang, không có đường chính đi vào, cây cối rậm rạp. Hơn nữa, nhiều loài rắn, rết, chim chóc và côn trùng cư trú, nhân dân không ai dám bước chân lên cồn. Lúc này, có hai vợ chồng ở miệt Sóc Trăng, người vợ tên Hòa (tên thật là bà Nguyễn Thị Hoà) và người chồng tên Quản (tên thật là ông Nguyễn Hữu Quản) đến đây khai phá. Tính ra cách đây đã hơn 100 năm. Hai vợ chồng cần cù khai khẩn trồng rau, cây ăn quả, bắt cá để sinh sống. “Đất không phụ người” và rồi vùng đất cồn ngày càng màu mỡ nên dân ở các vùng lân cận cũng tìm đến ngày đông hơn cùng nhau khai hoang xây dựng. Nhớ ơn người đầu tiên khai phá nên người dân nơi đây đặt tên là cồn Bà Hòa.

Tên Bà Hòa cũng gắn liền với tấm lòng nhân hậu của hai vợ chồng bà đã giúp đỡ mọi người hốt thuốc chữa bệnh khi ốm đau và tiền bạc, vật chất khi gặp khó khăn, thiếu thốn ở vùng đất cồn này. Lúc sống Bà Hòa hay giúp người nên khi qua đời, người ta cũng nghĩ bà cũng sẽ phù hộ người sống trên mảnh đất này. Để tri ơn và cũng tâm linh mong bà phù hộ, người dân đã lập Miếu thờ gọi là Miếu Bà Hoà. Miếu hiện đang tọa lạc ở ấp Thạnh Phú, nhiều người hôm nay có cuộc sống an lạc, ổn định nên rỉ tai nhau nói nhỏ Bà Hòa rất linh thiêng. Theo đó, Miếu Bà Hòa được thành lập theo quyết định số 110/QĐ-UBND ngày 19/09/2016 của UBND xã Bình Thạnh, ông Trần Văn Suồl được phân công làm Trưởng ban quản lý Miếu. Nếu bạn muốn dự lễ cúng, viếng Bà thì hằng năm cứ đến ngày 11-12/2 AL là Ban quản lý Miếu tổ chức lễ giỗ cho Bà. Niềm vui của lãnh đạo và nhân dân xã Bình Thạnh chính là hằng năm được vinh dự tiếp hàng nghìn lượt người đến cồn Bà Hòa. Khách đến rồi đi, ai xuống đò đều dõi mắt bâng khuâng, lưu luyến bởi phong cảnh hữu tình nét đẹp thiên nhiên miền đất cồn cây xanh gió mát .

Hiện nay, phát huy thế mạnh sẵn có và truyền thống yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Thạnh xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới luôn là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương do đó đã tập trung triển khai kế hoạch thực hiện, duy trì tiêu chí nông thôn mới với quyết tâm hoàn thành xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” đúng theo lộ trình kế hoạch đề ra. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện, các ban ngành chuyên môn cấp huyện và Đảng ủy xã; sự phối hợp và hỗ trợ nhiệt tình của các ngành chức năng cùng MTTQ, Đoàn thể các cấp; sự đoàn kết nhất trí trong cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, sự hưởng ứng chung tay góp sức của các doanh nghiệp, mạnh thường quân và của toàn thể nhân dân trong và ngoài xã; đến nay xã Bình Thạnh thực hiện đạt cơ bản 11/19 tiêu chí, tương đương 37/49 chỉ tiêu nông thôn mới. Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống điện, đường, thủy lợi được chú trọng đầu tư, nâng cấp đi kèm với gia cố đê bao, kết hợp nâng cấp mở rộng lộ giao thông nông thôn.

Với những ưu đãi mà mẹ thiên nhiên đã trao tặng, cùng sự nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng, chung tay góp sức xây dựng quê hương của bà con nhân dân, tin rằng xã cồn Bình Thạnh sẽ sớm trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới và sớm phát triển thành địa điểm phát triển du lịch sinh thái nổi tiếng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.